M-113 trong Chiến tranh Việt Nam M-113

Một chiếc M-113 của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Cuối năm 1961, trước áp lực quân sự ngày càng cao của Quân Giải phóng Miền Nam đối với các vị trí phòng thủ của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Hoa Kỳ đã tăng cường yểm trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa, trong đó có loại xe thiết giáp M-113.

Theo học thuyết quân sự Hoa Kỳ, loại M-113 được dùng như một loại "taxi chiến trường", mang quân đến tận trận địa rồi đội quân xuống bộ tấn công mục tiêu. Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam là chiến trường của bộ binh, không phải là nơi đắc dụng cho lực lượng thiết giáp. Các nhà quân sự Mỹ kết luận rằng Việt Nam có địa hình chi chít núi non rừng rậm và nhiều sông ngòi đầm lầy chỉ là "mồ chôn" cho các loại xe cơ giới này.

Tuy nhiên, trên chiến trường Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy lực lượng bộ binh dù đã được đưa tới sát mục tiêu nhưng vẫn thường xuyên bị tổn thất nặng, khả năng di động bị hạn chế tối đa, nếu ra khỏi tầm yểm trợ của thiết vận xa. Từ những kinh nghiệm đó, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã biến M-113 dần trở thành xe chiến đấu bộ binh hơn là một xe APC thuần túy. Với một đại liên 12,7 mm và hai trung liên 7,62 mm bắn được về phía bên sườn, M-113 đã trở thành một lô cốt di động khá lợi hại, bộ binh trong xe có thể chiến đấu trực tiếp thay vì chỉ núp kín và chờ đến nơi quy định mới xuống xe chiến đấu.

Ban đầu, các xe chuyển giao cho phía Việt Nam Cộng hòa, được đem huấn luyện trong các cuộc hành quân bộ binh có sử dụng cơ giới. Ngày 30 tháng 2 năm 1962, 32 chiếc M-113 được chuyển giao cho các đơn vị chiến đấu, trong đó 30 chiếc được tổ chức thành hai đại đội thiết giáp, mỗi đại đội có 15 chiếc. Mỗi đại đội gồm có 3 chi đội chiến đấu và 1 chi đội yểm trợ, mỗi chi đội chiến đấu có 3 chiếc M-113, chi đội yểm trợ có 4 chiếc M-113, trong đó có 3 chiếc được gắn súng cối 60 ly và 3 súng phóng hỏa tiễn 3.5 inch và một ban chỉ huy đại đội có 2 chiếc M-113, một dành cho đại đội trưởng và một cho đội Bảo trì và Sửa chữa. Hai đại đội M-113 ngay lập tức được đưa đến đồng bằng Cửu Long, trực thuộc Sư đoàn 7 và Sư đoàn 21 Bộ binh, tham gia bảo vệ trục lộ huyết mạch nối miền Tây với Sài Gòn.

Thời gian đầu tham chiến, M-113 chứng tỏ là một loại thiết giáp đa năng, có thể sử dụng hầu như trên mọi địa hình trong toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam, từ rừng núi cao nguyên đến đồng bằng sông ngòi chằng chịt. Với lớp giáp khá dày, tốc độ nhanh, công suất lớn và đặc biệt với khả năng lội nước rất nhanh, M-113 đã gây rất nhiều khó khăn cho Quân Giải phóng. Lực lượng Quân Giải phóng hầu như không có vũ khí chống tăng hoặc quá thô sơ, hoàn toàn không có kinh nghiệm chống thiết giáp. Tâm lý e ngại phải đối đầu với loại xe chiến đấu này bởi sự lợi hại, cơ động nhanh, đi được ở dưới nước, thời gian đầu giao chiến không phải là không phổ biến.

Học thuyết sử dụng M-113 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa

  • Chỉ đổ quân từ APC khi các vị trí của đối phương hoàn toàn bị bỏ trống.
  • Khi đổ quân vào các ruộng lúa ngập nước, phần lớn ưu thế về tính di động bị mất. M-113 chỉ có thể di chuyển với tốc độ 20 km/h ở địa hình này.
  • Dùng súng máy 12.7mm để giao chiến với đối phương ở tầm xa nhằm ngăn cản hỏa lực RPG. Khi bắn súng máy 12.7mm, xa trưởng thường để phần đuôi của dây đạn xuống bên dưới nắp vòm. Ở trong khoang xe, đồng đội sẽ nối dây đạn này với dây đạn khác để đảm bảo hỏa lực liên tục. Cùng lúc, các thành viên khác sẽ hỗ trợ hỏa lực từ trên ngách của khoang chứa hàng, đồng thời đề phòng đối phương lặn dưới nước thở bằng các ống cây sậy rỗng. Khi bị phát hiện thì đối tượng sẽ bị tiêu diệt bằng lựu đạn hoặc bị xe nghiền nát.
  • Mặc dù việc chiến đấu từ trên xe là khái niệm hoàn toàn khác xa so với học thuyết "xe taxi chiến trường" ban đầu và bị nhiều người phản đối, chiến đấu từ trên xe nhanh chóng lan rộng và được cả lực lượng Mỹ sử dụng.
  • Các địa hình M-113 không đi được: các khu trồng mía, dừa, các khu vực gần sông, kênh rạch.
  • Các cánh đồng ngập lúa không ngập nước trong mùa mưa nên được tránh.
  • Vào mùa khô, mặc dù có thể di chuyển trên ruộng lúa tốt hơn, nhưng những con đê vẫn tiêu tốn rất nhiều thời gian của M-113 để vượt qua. Các chướng ngại này chỉ có thể được xử lý bằng bộc phá hoặc xây dốc lên xuống. Trong mùa mưa, các con đê này có thể bị nghiền nát dễ dàng nhưng trong mùa khô thì chúng được mặt trời làm cứng lại.
  • Các đơn vị thiết giáp Pháp nhiều năm trước đã biết cách quan sát trâu nước để biết khả năng chịu đựng của địa hình. Thường thì ở những nơi trâu nước ăn thì M-113 có thể di chuyển an toàn, còn những nơi trâu bị ngập tới bụng thì M-113 không thể đi đựợc.

Phát triển chiến thuật sử dụng M-113 của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa

Chiếc M-113 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị bắn thiệt hại nặng

Đối với các loại súng máy hạng nặng hay súng chống tăng vác vai tầm gần như RPG chẳng hạn, thì M-113 là một miếng mồi ngon. Tuy nhiên, những khả năng trang bị thời kỳ đầu của Quân Giải phóng là gần như không thể có, vì vậy họ chỉ có thể đối phó lại bằng cách sử dụng mìn chống tăng, lựu đạn chùm để diệt xe, dù hiệu quả rất thấp. Ngoài ra, họ cũng phát triển chiến thuật tập trung bắn tỉa xạ thủ trên nóc xe để gây hoang mang cho đối phương. Như trong trận Ấp Bắc tháng 1 năm 1963, khi mà có tối thiểu 14 xa trưởng/xạ thủ 12.7mm bị giết bởi chiến thuật này.

Tuy vậy, với khả năng di chuyển địa hình tốt và sự thiếu thốn vũ khí chống tăng của đối phương, M-113 ngày càng được phát triển chiến thuật sử dụng như một xe chiến đấu. Lính bộ binh ở trên xe M-113 chiến đấu từ trong xe và khi đã đánh bật đối phương ra khỏi vị trí thì bộ binh mới bắt đầu xuống xe để chiếm giữ. M-113 dần được trang bị thêm nhiều loại khí tài bao gồm tấm chắn đạn cho khẩu 12.7mm, súng máy M60 gắn ở hai bên sườn, bao cát và nhiều loại giáp tự chế khác được bố trí quanh xe như công sự để binh lính có thể chiến đấu mọi hướng từ trên xe. Việc trang bị dần trở nên chuẩn hóa vào năm 1966 với gói nâng cấp "A" bao gồm giáp chắn đạn cho khẩu 12.7mm, giáp che 360 độ cho vị trí của xa trưởng và 2 súng máy M60 bên sườn cùng với tấm chắn đạn. Với cấu hình này, M-113 trở thành Xe bọc thép tấn công kị binh (Armored Cavalry Assault Vehicle - ACAV), một khái niệm mới do thiếu tá Martin D. Howell, chỉ huy của liên đội 1, Trung đoàn kị binh bọc thép số 11, đề ra. Ngoài ra còn có gói nâng cấp "B" chỉ bao gồm giáp cho súng máy và bao quanh 360 độ vị trí của xa trưởng, thường được dùng trên các xe chở pháo cối.

So với khái niệm Xe chiến đấu bộ binh (Infantry fighting vehicle - IFV) truyền thống, ACAV có phần khác biệt để phù hợp với cách đánh ở Việt Nam. Không trang bị một loại hỏa lực mạnh để chống tăng, dù một số phiên bản M-113 có thể được trang bị súng không giật, tên lửa chống tăng, nhưng ACAV lại có hỏa lực tổ hợp bao gồm 1 súng máy 12.7mm (đôi khi là cả súng phóng lựu 40mm) và 2 súng máy 7,62mm, chưa kể đến các súng cá nhân của binh sĩ. Với các tấm giáp bảo vệ trên nóc, binh sĩ trên xe M-113 có thể chiến đấu 360 độ quanh xe một cách dễ dàng, không bị hạn chế mà vẫn có một phần giáp bảo vệ. Ở hầu hết các đơn vị, sàn xe được lót bao cát để giảm hiệu quả của mìn. Để chống mìn tốt hơn nữa, ACAV còn được gắn giáp dưới bụng là các tấm titan. Một số vật dụng trong xe được dỡ bỏ để lấy không gian chứa đạn dược và vật dụng của binh sĩ. Các tấm chắn bùn cũng được tháo ra để tránh cho bùn đất đóng cứng vào.

Trang bị cơ bản của một chiếc ACAV gồm 1 súng máy .50 M2HB, 2 súng máy 7,62mm M60. Tổ lái thông thường: lái xe, xa trưởng/xạ thủ M2HB, 2 xạ thủ M60, 2 người nạp đạn. Mọi thành viên đều có một súng M16 và dùng chung một súng phóng lựu M79 40mm. Cơ số đạn: 3500 viên 12.7mm, 8500 viên 7,62mm, 5000 viên 5,56mm, 150 viên đạn súng phóng lựu 40mm.

Với trang bị như trên, hầu hết các xe M-113 đều bị quá tải, khả năng lội nước của xe bị giảm đi và ít khi được sử dụng. Tuy vậy, khả năng chiến đấu của M-113 lại tăng lên, thích hợp với chiến thuật chống lại đối phương chỉ bao gồm bộ binh phân án ẩn nấp ở nhiều nơi, một chiến thuật mà Quân Giải phóng thường xuyên áp dụng để giảm bớt tác động của hỏa lực tập trung hùng hậu của quân Mỹ.

Quân Giải phóng miền Nam đối phó M-113

Rõ ràng sự xuất hiện của M-113, với tính cơ động cao và hỏa lực mạnh đã làm các đơn vị Quân Giải phóng bất ngờ. Tuy nhiên, họ cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm những chiến thuật khả dĩ đối phó.

Thời gian đầu, các xe M-113 không có lá chắn bảo vệ cho xạ thủ vì người Mỹ cho rằng với tầm quan sát tốt và hỏa lực mạnh là có thể đè bẹp đối phương. Lái xe muốn được che chắn đầy đủ phải đóng nắp trước và nhìn qua tiềm vọng kính, do đó tầm nhìn sẽ bị hạn chế, hiệp đồng với các xe khó khăn và tốc độ chạy chậm hơn. Mặt khác, tác chiến ở đồng bằng sông Cửu Long, chướng ngại vật có thể ngăn cản M-113 là những con kênh, con rạch có bờ dốc. Đối với loại xe này, việc lội nước không có gì trở ngại, nhưng xích xe lại rất khó bám vào bùn nhão ở bờ bên kia để kéo khối sắt 10 tấn lên khỏi mặt nước.

Những nhược điểm bị khai thác bằng lối đánh gần, tập trung hỏa lực. Các đơn vị Quân Giải phóng được phổ biến chiến thuật phục kích bí mật, chờ xe thiết giáp đối phương đến gần, chọn chiếc đi đầu, tập trung tất cả các loại vũ khí sẵn có để tiêu diệt. Tại điểm phục kích, họ dùng các hố bẫy xe và mìn chống tăng để chặn xe. Và khi xe đầu tiên rơi vào điểm phục kích, họ sẽ tập trung hỏa lực bắn vào xe, dùng lựu đạn chùm để diệt xe, và tập trung bắn tỉa xạ thủ trên nóc xe để gây hoang mang cho đối phương. Khi một xe bị trúng đạn bốc cháy, sẽ làm cho lái xe và xạ thủ của các xe khác mất tinh thần, đội hình sẽ rối loạn, tạo điều kiện tiếp tục tiêu diệt các xe còn lại.

Qua 2 trận đánh ở Ấp BắcBình Giã, họ chứng minh sự hiệu quả của chiến thuật này, đồng thời cũng nhanh chóng phát hiện thêm những điểm yếu của M-113 khi bộ giáp nhôm của nó tỏ ra không thể bảo vệ hoàn toàn cho binh sĩ bên trong trước các loại vũ khí có hỏa lực mạnh hoặc vũ khí chống tăng. Cộng với sự phát triển của chiến thuật đối phó với M-113, với sự chi viện từ miền Bắc, nhiều loại vũ khí mới có thể chế ngự M-113 như B-40, B-41, súng không giật 57mm, 75mm đã được trang bị cho các đơn vị Quân Giải phóng. Họ còn có cả loại lựu đạn chống tăng PGN-2 bắn từ AK-47, nó có thể xuyên thủng được vỏ nhôm của M-113.

Chiếm vũ khí đối phương để trang bị

1 chiếc M-113 trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam

Quân Giải phóng không chỉ dừng lại ở việc tiêu diệt xe bọc thép của đối phương, họ còn đi xa hơn khi nghĩ đến việc xây dựng lực lượng tăng thiết giáp tại miền Nam bằng chính các phương tiện chiến lợi phẩm.

Ngay từ tháng 2 năm 1964, đoàn cán bộ kỹ thuật tăng thiết giáp vào chiến trường miền Nam, chuyển trực thuộc Bộ tư lệnh Miền, và được tổ chức thành "Ban cơ giới Miền", mật danh là B16, với nhiệm vụ "chiếm xe của địch để đánh địch và xây dựng lực lượng xe tăng ở chiến trường". Đầu năm 1966, B16 được nâng lên thành "Phòng cơ giới Miền", mật danh J16. Một đơn vị đặc công cơ giới được thành lập mật danh là C40, với nhiệm vụ "Phối hợp với binh địch vận để thực hiện nội công, ngoại kích đánh vào hậu cứ trung đoàn thiết giáp nguỵ đóng ở Gò Đậu, tỉnh Bình Dương". Trong trận tập kích căn cứ thiết giáp Gò Đậu ở Bình Dương ngày 23 tháng 3 năm 1966, chính đơn vị này đã táo bạo tập kích bãi đậu xe của quân Việt Nam Cộng hòa, chiếm được 4 xe M41 Walker Bulldog và 6 xe M-113, và đưa được một xe M-41 chiến lợi phẩm về căn cứ an toàn ở Long Nghĩa.[3].

Trước năm 1966, trong nhiều trận giao tranh, Quân Giải phóng nhiều lần bẫy hoặc bắt sống nhiều xe tăng và xe thiết giáp của Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, do không có nhân sự nên họ không thể sử dụng được. Đến khi B16 được thành lập, họ đã tổ chức nghiên cứu về xe tăng M-41 và xe thiết giáp M-113 của đối phương, nhưng không có xe thật mà chỉ nghiên cứu trên các bản vẽ nên cũng hạn chế nhiều. Đây cũng là một nhược điểm lớn, nên sau này xe thì chiếm được nhiều mà đưa về được ít[4]. Chỉ sau khi có chiếc xe chiến lợi phẩm này, Quân Giải phóng bắt đầu mới có thể huấn luyện sử dụng.

Ngày 25 tháng 5 năm 1971, Đại đội hỗn hợp tăng - thiết giáp đầu tiên mang phiên hiệu Đại đội 33 của Quân Giải phóng được thành lập, với vốn liếng đầu tiên là 6 xe chiến lợi phẩm M-24 (1), M-8 (1), M-5A1 (1) (chiến lợi phẩm trong trận phản công Cuộc hành quân Chenla II), M-41 (1) và M-113 (2) (chiến lợi phẩm trong trận phản công Cuộc hành quân Toàn Thắng TT02). Thậm chí, với 4 xe tăng hạng nhẹ, họ còn thực hiện cả cuộc tấn công vào cứ điểm Sa Mát ngày l tháng 4 năm 1972, gây hoang mang cho binh sĩ đồn trú của Việt Nam Cộng hòa. Tuy phải phá hủy 3 xe bị hư hỏng, nhưng trong trận Lộc Ninh sau đó, họ đã chiếm được 20 xe gồm 4 xe M-41, 16 xe M-113 (có 3 xe phun lửa, 1 xe xích vận tải, 1 xe công trình cần trục) gần như còn nguyên vẹn và thu dụng được rất nhiều phụ tùng tháo dỡ từ xác xe.

Tuy thu được số lượng xe chiến lợi phẩm đáng kể, nhưng do vẫn còn sự hiện diện của quân Mỹ với hỏa lực hùng hậu, cộng với việc còn thiếu kinh nghiệm chiến thuật sử dụng tăng thiết giáp, các chỉ huy Quân Giải phóng đã không liều lĩnh tung các đơn vị ra tham chiến. Họ vẫn tiếp tục ẩn giấu các xe chiến lợi phẩm và dùng chúng để huấn luyện sử dụng các tổ lái M-41, M-113 đào tạo tại chỗ phòng khi cần thiết về sau này.

Với những trận đánh lớn đầu năm 1975, trước sức tấn công nhanh và mãnh liệt của Quân Giải phóng và Quân đội Nhân dân Việt Nam, các đơn vị thiết giáp của Việt Nam Cộng hòa đã rút lui hoảng loạn, bỏ lại hàng ngàn xe tăng và thiết giáp còn nguyên vẹn, trong đó phần nhiều là M-113, M-41, và được đối phương sử dụng để đánh lại ngay những người chủ cũ của chúng, mà trong đó, trong đó theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài – còn khoảng 500 xe thiết xa M-113 còn sử dụng được.

Trong Chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam Việt Nam, quân Việt Nam sử dụng rất nhiều chiến lợi phẩm thu được từ quân Việt Nam Cộng hòa để tấn công lực lượng Khmer Đỏ, kể cả các loại vũ khí kỹ thuật cao như máy bay A-37, F-5. Trong đó, bên cạnh các xe tăng T-54/55, M-113 được xem là lực lượng xung kích chủ yếu trong lực lượng tăng – thiết giáp trong thời kỳ đó và tỏ ra rất hiệu quả trong tấn công.

Hiện nay trong khi các loại chiến xa chiến lợi phẩm như M-41, M-48 gần như không còn phục vụ nữa, thì M-113 vẫn còn là lực lượng chủ yếu trong binh chủng tăng – thiết giáp Việt Nam. Tuy nhiên do bị thiệt hại trong chiến tranh và thiếu phụ tùng thay thế nên số lượng M-113 của Việt Nam bị hao hụt rất nhiều, hiện tại con số M-113 còn hoạt động không được chính xác, theo một số nguồn tin con số này là khoảng 200.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: M-113 http://www.defence.gov.au/dmo/lsp/M113_Upgrade.cfm http://www.army.forces.gc.ca/land-terre/equipment-... http://www.army.forces.gc.ca/lf/English/2_display.... http://www.armyrecognition.com/moyen_orient/Liban/... http://www.edesgroup.com/HLSland08.html/ http://findarticles.com/p/articles/mi_m0IAV/is_4_9... http://www.g2mil.com/aluminum.htm http://www.inetres.com/gp/military/cv/inf/M113.htm... http://www.israeli-weapons.com/weapons/vehicles/ar... http://www.uniteddefense.com/www.m113.com/m113_veh...